6 giờ sáng, trong dòng người ùa ra khỏi cánh cổng khu công nghiệp Bắc Thăng Long, một nhóm công nhân phờ phạc rẽ vào con đường nhỏ của thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Con đường nhỏ, lầy lội và nhớp nháp bởi mưa phùn nhưng chi chít hàng quán bán rau cỏ, đồ ăn, thức uống.
Thấy nhóm công nhân, người phụ nữ đứng bên sạp thịt mời chào vồn vã. Phía bên cạnh, các hàng quán khác cũng tíu tít gọi. Tuy nhiên nhóm công nhân chỉ đáp lại bằng những cái lắc đầu. Họ lẳng lặng bước đi, không ai nói với ai một lời cho tới khi chia tay nhau mỗi người về một xóm trọ...
Tiếc tiền thuê phòng trọ, nữ công nhân gặp nguy hiểm lúc nửa đêm
Dung chuẩn bị cho bữa cơm sau giờ tan ca. Ảnh: Vũ Lụa
Nguyễn Thị Dung (quê Yên Bái, SN 1994) tiếp chúng tôi với gương mặt phờ phạc. Phòng trọ của cô gái nằm sát mặt đường chính của làng. Diện tích phòng chật hẹp nhưng khá sạch sẽ. Dung cho biết, cô làm công nhân đã 4 năm và mới chuyển đến dãy trọ này được ít tháng. Tuy nhiên so với những phòng trọ cũ, cô khá hài lòng với căn phòng chật hẹp này.
“Tuy nằm gần mặt đường nhưng chủ nhà khá tâm lý, hàng xóm thân thiện, cởi mở, an ninh tốt và đặc biệt là gần công ty nên mình thấy rất ưng”, Dung giải thích.
Theo lời Dung, ở công ty của cô, khá nhiều người tiết kiệm nên lựa chọn phương án thuê trọ ở xa hoặc đi về nhà của mình ở quê cách Hà Nội khoảng vài chục cây số. “Tuy nhiên, đi lại như vậy rất phức tạp”, Dung nói.
Nữ công nhân sinh năm 1994 kể lại câu chuyện của một người bạn cùng công ty: “Nhà chị ấy cách công ty chỉ chừng 20 km nên thường xuyên đi đi về về chứ không thuê trọ ở đây. Tuy nhiên ca 2 của bọn mình lại kết thúc lúc 10 giờ đêm. Vì thế có lần, đang đi giữa đường, chị ấy bị một nhóm thanh niên chặn lại. Chúng lúc túi, lấy điện thoại và tất cả tiền bạc. Sau đó, cả nhóm còn lao vào sàm sỡ chị ấy.
May sao, có một chiếc ô tô con đi đến, trên xe là 4, 5 người lớn tuổi. Họ lên tiếng giúp đỡ nên chị ấy thoát. Từ đó, nữ công nhân này sợ, không dám đi về một mình mà phải thuê phòng trọ ở lại gần công ty”.
Vẫn lời Dung, nhiều công nhân ở các khu vực lân cận Đông Anh (Hà Nội) còn chọn cách thuê xe theo tháng để được đưa đón đi làm. Tuy nhiên việc thuê xe cũng tốn của họ 500 nghìn mỗi tháng. Vì thế Dung cho rằng, nếu nhà cách công ty quá 10km thì phương án thuê nhà trọ để ở lại vẫn là an toàn nhất.
“Tiền lương công nhân rất thấp, tiết kiệm được 100 - 200 nghìn đồng là thấy quý nhưng an toàn vẫn là trên hết”, nữ công nhân nhận định.
12 năm làm công nhân, không mơ nổi mét đất ngoại thành
Rời phòng trọ của Dung, chúng tôi gặp Minh (SN 1988, quê Vĩnh Phúc). Minh làm ca chiều nên đang rảnh rỗi. Tuy nhiên Minh không vui vì sự rảnh rỗi này mà mong được tăng ca.
“Tăng ca thì rất mệt, có người còn ngất xỉu vì đuối sức. Tuy nhiên không tăng ca thì công nhân đói", Minh giải thích. Theo Minh, vào những tháng ít việc như hiện tại, công nhân không được làm tăng ca thì thu nhập của họ chỉ được 4 đến 5 triệu đồng.
Một dãy phòng trọ của công nhân ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Vũ Lụa
"Với số lương này thì những người có gia đình như mình chật vật lắm”, Minh nói bằng giọng buồn buồn. Minh cho biết, cô đã có hai con, một cháu hơn 4 tuổi, một cháu 3 tuổi. Cả hai đều đang được gửi ở nhà trẻ với 3 triệu đồng tiền học phí mỗi tháng.
“Ông bà hai bên đều già yếu, khó khăn nên không có ai hỗ trợ. Bố các cháu lái taxi, nhưng 2, 3 năm nay chưa bao giờ anh cầm về được quá 5 triệu đồng mỗi tháng”, Minh nói. Tuy nhiên theo lời Minh, cuộc sống như hiện tại của gia đình cô đã dễ thở hơn rất nhiều so với 4, 5 năm về trước.
“Lúc mới cưới, chồng mình thất nghiệp, một mình mình đi làm để trang trải cuộc sống. Đến khi sinh con đầu lòng, cả nhà chỉ trông vào tiền bảo hiểm thai sản của mình. Lúc tiêu hết tiền thai sản, mình phải xin đi làm sớm để có đồng chi tiêu.
Chồng mình vẫn thất nghiệp nên đành ở nhà trông con. Sau đó gần 1 năm, mình “lỡ kế hoạch” nên mang bầu lần thứ 2. Lúc này, cuộc sống của bọn mình rất khó khăn vì mình yếu, lại con nhỏ nên không thể tăng ca.
Túng quẫn quá, Minh ngỏ ý với ông bà nội, nhờ bà lên ở cùng chăm cháu để chồng Minh xin việc đi làm. Tuy nhiên lên ở cùng được 1 tuần, mẹ chồng Minh vùng vằng đòi về vì không thể chịu được cuộc sống chật hẹp, ngột ngạt và đắt đỏ ở Thủ đô. Thế là hai vợ chồng Minh lại tiếp tục cuộc sống “giật gấu vá vai”, vay mượn loanh quanh để đủ tiền trang trải.
Năm con đủ tuổi gửi trẻ, nữ công nhân này quyết tâm vay mượn 8 triệu đồng để chạy việc lái xe cho chồng. Tuy nhiên số tiền này sớm “đổ sông đổ bể” vì chồng Minh làm được một thời gian lại bỏ dở giữa chừng.
“Mình lại phải vay thêm 8 triệu nữa để xin việc lái taxi cho anh. Số tiền nợ đó, đến giờ mình còn chưa trả được”, Minh tâm sự.
Dứt lời, Minh dẫn chúng tôi sang phòng của Kim (SN 1986, quê Phú Thọ). Đó là căn phòng lợp mái tôn, rộng chừng 10m2 (bao gồm cả công trình phụ). Cả căn phòng không hề có bất cứ đồ đạc nào giá trị ngoài chiếc giường, tủ quần áo và những tấm ảnh ghi lại hình ảnh của hai đứa trẻ, con của Kim.
Kim có thời gian 12 năm làm công nhân. Thời gian này, cô đang ở cữ vì mới sinh con được 2 tháng. “Đây là cháu thứ 3 của vợ chồng mình. Cũng vì nhân khẩu đông nên mình phải thuê hai phòng. Một phòng để ngủ và một phòng nấu ăn, đựng đồ. Mỗi phòng giá 600 ngàn đồng. Sau này, thấy tiếc tiền nên mình buôn ít hàng hóa về bán để gỡ gạc”, Kim nói.
Vẫn lời của Kim, sau 12 năm làm công nhân và thuê trọ ở đây, Kim chưa bao giờ dám mơ đến giấc mơ mua nhà.
“Vợ chồng mình đang tính chuyện về quê làm ăn. Bố mẹ ở quê đều đã già yếu. Năm vừa rồi, nhà cửa ông bà ở quê dột nát quá mức nên vợ chồng mình cố gắng vay mượn để sửa. Thành ra bây giờ, bọn mình đang nợ nần chồng chất, một vài triệu tiết kiệm cũng không có chứ đừng nói đến tiền mua được một mét đất ở đây”.
Theo lời Kim, cuộc sống công nhân ở đây vất vả, thu nhập không ổn định vì phải phụ thuộc vào việc được tăng ca. Vì thế cô và chồng muốn về quê, tận dụng đất đai rộng rãi ở đó và những điều học được ở Hà Nội để phát triển kinh tế ngay tại mảnh đất quê hương mình.
(Còn nữa)